Algo

Sunday, January 23, 2005

Thơ trong người phụ nữ làm thơ



Thảo Phương

Chân Dung Tự Họa


Tôi sinh ra ở Việt Bắc, lớn lên nơi một đường phố yên tĩnh trông ra đê sông Hồng, bên cạnh Nhà hát lớn Hà Nội. Khu nhà đoan cũ khi đó chỉ có ngôi nhà Tây hai tầng với vườn hoa nhỏ và những dãy nhà trệt vây quanh khoảng sân rộng, xanh mát. Những cây bàng không biết được trồng từ bao giờ - bao giờ? Mùa đông, mây xám lặng lẽ trôi qua những cành bàng khẳng khiu run rẩy - và tôi: yếu đuối cùng hờn giận, chảy những giọt nước mắt vô cớ... Giờ đây, tôi vẫn thấy mình đứng lặng trên sông Hồng - Bác Cổ, giữa đám nồi niêu chăn chiếu và những người chạy lụt... Dưới kia vài mét, dòng nước đỏ ngầu cuồng nộ đã nhấn chìm và xô đổ bao mái nhà bình yên, lam lũ ngoài đê. Phải đây là dòng nước hiền hòa làm nên bãi bồi từng in dấu chân tôi bé bỏng trên những mầm ngô xanh biếc...?

Phải. Và đó cũng là cuộc sống. Không trong, không đục. Không thiện, không ác. Và luôn bị chi phối bởi những dòng ngầm mạnh mẽ và bất ngờ. Tôi yêu sông Hồng như nó vốn thế. Như yêu cuộc sống mà tôi không dứt được nợ.

Thơ đến với tôi thật bất ngờ. Đó cũng là lúc tôi tưởng hết một kiếp sống. Cũng là lúc tôi đã biết yêu môn khoa học của sự sống: Sinh học - và luôn khao khát truyền đạt được tình yêu đó bằng những ngôn từ chính xác và sinh động nhất...

Tôi biết chắc: mình là kẻ may mắn khi gặp được Thơ - phương cách mà tôi mong muốn thể hiện được tình yêu, nỗi đau, những trăn trở trước cuộc sống và nhân tình.

Nó cũng như một phép ứng xử rất tự nhiên...

Mỗi bài thơ là một khoảnh khắc vụt đến. Là điểm ngưng kết vủa những gì xa xưa và sâu thẳm - có thể vốn rất ngẫu nhiên và rời rạc. Và thơ được quy định bởi một mặt bằng tri thức và văn hóa mà ta đã góp nhặt với nhu cầu tự thân cho tới phút chót. Cộng với "một chút gì nữa" - thật huyền diệu - và ngoài ta... Nó cho ta câu đầu và dắt ta tới câu cuối, không cho ta cưỡng lại.

Tôi nghĩ: Thơ là cái gì đó - "muốn" cũng không được, mà "không muốn" cũng không được. Tôi không biết chắc: mình còn có bài thơ tiếp hay không? Và điều đó có quan trọng không? Nhưng khi ta còn lành mạnh, còn nặng nợ với cuộc đời và con người... thì những khoảnh khắc vụt đến với ta hơn một trăm lần... lẽ nào không đến thêm một lần... Điều quan trọng là hãy trung thực và hết mình.

Thà là chạm vào Barie của chính mình rồi giã biệt.

Có lẽ, không có con đường sáng tạo nào không cực đoan và cô đơn.


... Rồi một ngày - Thơ cũng sẽ bỏ ta mà đi... như Tình Yêu - như tia nắng cuối...

Dẹp và buồn biết bao...

Thảo Phương
SG. tháng Sáu
tháng Mười
1994

(from Dactrung.com)

3 Comments:

  • At 12:49 AM, January 25, 2005, Blogger Khoai said…

    Khoai và sự nghiệp làm thơ :)

    Nhớ hồi nhỏ làm báo tường, sao mình làm thơ giống như dàn bài tập làm văn vậy :) Đầu bài thân bài kết luận. Nói chung chỉ để lên báo tường cho đủ bài. Nhưng có một lần học lớp năm, cái bài thơ 20/11 được đông đảo quần chúng bảo là hết sức đặc biệt, mặc dù quá đặc biệt cho nên chẳng giống gì những lục bát hay thơ ca ngợi mà học trò vẫn học ngày đó=> kết quả là đăng lên báo thôi, không đựoc ở hàng đầu. Sau lần đó chẳng buồn làm thơ nữa chỉ vì thấy mình ko biết làm thơ giống như ngừoi ta :) hay là ko biết làm thơ. Mà giờ lớn rồi thì chắc chắn như vậy :)

    Một năm qua đi...
    Lớp 6, lớp 7 hắn vẫn làm báo tường. Vì hắn vẽ khá đẹp :) Và đầu hay nghĩ ra những thứ không giống ai :)
    Nhưng thơ ư? Xin đừng động vào nỗi đau ...

    Lớp 10!
    Vào cấp 3 trường Ams máu quá :0 Các đồng chí công khai làm thơ tình hihih và các thầy tổ văn chèm chẹp vừa đọc vừa nhớ lại thời trai trẻ giữa sân trường. Trái tim ngây thơ của hắn đờ ra... nghi hoặc. Hắn sờ tay lên cổ áo <= hắn vẫn còn quàng khăn đỏ...

    Đến một ngày trường bắn phát súng hiệu mở cuộc thi thơ đầu tiên. Thế là hàng tuần nghe thơ ngày ngày nghe thơ. Hay ác liệt. Và buồn rầu chẳng bao giờ mình biết làm thơ. Đến giữa cuộc thi các thầy thông báo tên nào có thơ chỉ cần vào đựoc vòng hai là đựoc một điểm 10 văn hệ số một, vào vòng chung kết là đựoc 1 điểm 10 hệ số hai...Ái chà, thế này thì không được. Ngồi xem các đồng chí chuyên toán lý cứ 10 nườm nuợp thực là khó chịu. Đúng là có thực mới vực đựoc đạo: có phần thưởng một cái là phải thúc cho thi hứng ra ngay :)

    Thế là hàng ngày, trong cả tuần lễ đi đâu hắn cũng lễ mễ giấy bút sợ ý thơ tới mà ta chưa rét đì thì phí :), mặt thì đờ đẫn nuôi thi hứng :)

    Cái trò đời. Thứ ta mong muốn không đến vào lúc ta mong nhất :) bài thơ gửi đi thi là bài viết lại theo trí nhớ và tổng hợp kiến thức "thơ học" cho đủ độ dài để doạ BGK :) Còn trong trí nhớ là hình ảnh về bà nội. Hình ảnh mà hắn nhớ về bà lúc cô giáo giảng "Mẹ Tơm"...

    (công cuộc làm thơ vẫn còn tiếp diễn... )

     
  • At 12:45 AM, January 28, 2005, Blogger Khoai said…

    From VNExpress
    Thứ tư, 12/1/2005, 11:37 GMT+7

    Dạ Thảo Phương - không ngừng vượt qua ảo tưởng


    Nhà thơ Dạ Thảo Phương.

    "Tôi viết "Bài hát về năm chiếc lá" năm 17 tuổi, khi nghĩ mình đã biết tỏng thế nào là tình yêu, chỉ thiếu một thứ rất muỗi là kinh nghiệm thực tế mà thôi. Giờ đây, tôi tiến hóa đủ để nhận thức được mình vẫn chả biết gì về nó, nên sợ không dám viết thơ tình nữa", nhà thơ tâm sự.

    - "Bài hát về năm chiếc lá" của chị rất nổi tiếng, nó như một bài hát về tình yêu, chị nghĩ sao?

    - Biết nói gì về một bài thơ đã được công bố. Nó đã vuột khỏi vòng tay của người viết, nó chỉ thuộc về người đọc.

    - Tại sao chị và nhiều cây bút khác khi đã có một chút thành công thường viết dè dặt hơn trước, thậm chí có người không viết nữa?

    - Tôi nghĩ, qua mỗi chặng thời gian, sự nhìn nhận các giá trị của mỗi người lại có sự thay đổi. Khi còn học phổ thông, tôi từng tuyên bố: "Làm thơ dễ ợt" và đố mọi người đưa ra đề tài gì tôi cũng làm được, giờ nghĩ lại thấy mình rất đáng tức cười. Lúc ấy, tôi cứ ngỡ thơ có vần, có tứ, có hình ảnh, nhạc điệu là được. Giờ đây, sự gắn bó của tôi với thơ ca điềm tĩnh hơn, có ý thức hơn. Tôi đọc thơ, tôi làm thơ với sự sợ hãi và lòng tự trọng.

    - Chị nghĩ thế nào về quan niệm những người làm thơ phải "điên"?

    - Đó là quan niệm méo mó hạ thấp thơ ca, hạ thấp nhà thơ và làm hại nhiều người muốn làm thơ. Có lẽ thẳm sâu trong mỗi con người, nghệ sĩ luôn thường trực một nỗi khôn nguôi nào đó, nỗi thao thức ấy làm tình làm tội họ, làm người viết không thể không viết, làm người họa sĩ bạc phếch khi phải rời xa cây cọ, bảng màu và đôi khi cuốn họ vào dòng chảy của cái sức mạnh kỳ bí, đưa họ tới cảm xúc sáng tạo. Chính nỗi thao thức ấy làm họ, dù không hề cố tình, có nhiều lúc bộc lộ một thái độ sống khác thường. Song không phải hễ khác thường là đồng nghĩa với khả năng nghệ thuật.

    - Con người trong thơ và trong đời thực của chị khác nhau như thế nào?

    - Tôi luôn là con người thực của chính mình, chỉ có điều là theo những cách khác nhau. Khi giao tiếp, bạn buộc phải có trang phục. Tôi thích trang phục giản dị, vừa thể hiện đúng con người mình vừa phù hợp với những người xung quanh. Đó là phép lịch sự tối thiểu, không phải là giả dối. Nhưng khi đối diện với trang viết mà bạn còn vỏ bọc, dù chỉ là tấm lụa mỏng có thể làm bạn đẹp hơn chính mình thì bạn sẽ không thể chạm vào sự thực - thơ. Khi soi mình trong trang giấy, tôi từng thấy: "Trần trụi/ một vết thương bỏng rẫy/ không khí chạm vào cũng đau/ ánh mắt chạm vào cũng đau". Nhưng nếu sống giữa cuộc sống thường nhật mà lúc nào cũng như sáng tác thì chết mất. Nếu chưa kịp chết vì quá mỏi mệt thì cũng vì quá tổn thương. Nếu bạn bị tổn thương, mẹ bạn - những người yêu thương bạn sẽ đau đớn hơn vạn lần.

    - Chị có bao giờ tự hỏi mình tại sao làm thơ?

    - Tôi chưa từng tìm thấy câu trả lời cuối cùng cho bất cứ câu hỏi nào của mình. Câu trả lời nào thoạt cũng như câu trả lời cuối cùng, rồi hóa ra lại chỉ là một ảo tưởng. Sống, với tôi là không ngừng vượt qua lớp ảo tưởng của chính mình.

    (Theo Người Đẹp)

     
  • At 12:47 AM, January 28, 2005, Blogger Khoai said…

    Bài hát về năm chiếc lá
    (thơ Dạ Thảo Phương)

    Hạnh phúc là một chiếc lá
    Âm thầm nảy lộc đêm đông
    Buồn đau là một chiếc lá
    Rụng trong nhựa ứa mai hồng
    Nhớ mong là một chiếc lá
    Run vô cớ giữa lặng không
    Hờn ghen là một chiếc lá
    Vỡ đã tắt gió trong lòng
    Cô đơn là một chiếc lá
    Lay lắt mãi giữa cành đông
    Tình yêu chỉ năm chiếc lá
    Mà làm thành cả cơn dông.

     

Post a Comment

<< Home